Phần lớn người đầu tư nhà đất ở tỉnh là với mục đích mua đi bán lại, sang tay kiếm lời. Vậy nhưng, khi thị trường khó khăn, mọi kỳ vọng được họ đặt vào đội ngũ môi giới nhà đất với mong muốn rút lui thành công. Tuy nhiên, việc bán ra không dễ như lúc mua vào.
Đầu Tư Nhà Đất Tỉnh, Giờ Trăm Sự Cậy Nhờ Môi Giới Địa Phương
Rao bán hai lô đất nền Hớn Quản, Bình Phước gần một năm vẫn ế, anh P. D (TP. Vũng Tàu) cho biết, giờ chỉ trông cậy vào sàn môi giới kiếm giúp khách mua. Anh D dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư nhà đất ở tỉnh xa với hai lô đất nền từ năm 2021 – 2022, hiện mỗi tháng anh phải trả tổng khoản gốc và lãi vay gần 40 triệu đồng. Vì đất mua chủ yếu là đất nông nghiệp để đầu cơ nên anh cũng không khai thác kinh doanh, trồng trọt lại càng không do thiếu kinh nghiệm làm nông nghiệp và cũng chẳng có ngân sách để thuê người chăm nom.
Hai lô đất của anh đã nhờ môi giới rao bán từ cuối năm ngoái đến nay không thoát được hàng. Từ giao bán giá gốc, đến giờ anh đã giảm 35% giá mua vào mà vẫn trong cảnh không ai quan tâm. “Môi giới rao bán hộ tôi cho biết do quá nhiều hàng cần thoát gấp mà khách mua thì ít. Vậy nên chỉ có thể cố gắng chờ xem tình hình quý 3 có chuyển biến tốt hơn không. Họ cũng hứa sẽ ưu tiên thoát hàng giúp mình nhưng mọi thứ còn phụ thuộc thị trường chung”, anh D cho hay.
Sau nhiều lỗ lực tự đăng tin rao bán trên các diễn đàn, các hội nhóm mua bán, đầu tư nhà đất bất thành. Mọi hi vọng sang tay lô đất của bà T (quận 11, TP.HCM) giờ đây chỉ còn gửi gắm nơi các sàn môi giới địa phương. Được biết cuối năm 2021, bà T thông qua giới thiệu từ người quen mua đất nền dự án Định Quán, Đồng Nai. Môi giới lúc bấy giờ nhiệt tình quảng bá, giới thiệu và cam kết tiềm năng, hỗ trợ ra hàng nhanh nếu cần. Nhưng bẵng đi chưa đến 2 năm, “người đi trà lạnh” đất bán xong thị trường cũng nguội, môi giới cũ bỏ nghề nên giờ còn lại bà T với lô đất tỉnh không biết cậy nhờ ai sang nhượng giúp.
“Không liên hệ được môi giới nhà đất cũ nên tôi đã nhờ công ty BĐS từng phân phối dự án đó bán ra giúp. Bên họ cũng nhận nếu có khách sẽ hỗ trợ tôi ra hàng, nhưng không cam kết là bao lâu thì bán được. Nói thật, giờ tôi đang rất kẹt tiền nên thà lỗ nặng chứ không muốn giữ đất nữa. Chỉ mong thu về 60% số tiền bỏ ra, còn môi giới họ bán được giá hơn bao nhiêu thì xem như hoa hồng, phí môi giới vẫn trả đầy đủ. Không còn kỳ vọng lãi, bán được là mừng rồi”, bà T cho hay.
Theo lãnh đạo một sàn môi giới BĐS ở Đồng Nai, thanh khoản được sản phẩm đất nền ở tỉnh trong giai đoạn này khá khó khăn. Nếu là đất thổ cư trong dân thì còn đỡ, chứ đất nền dự án vùng ven hay đất nông/lâm nghiệp thì xem vào…“vận số”. Dù muốn hay không thì nhà đầu tư nhà đất ở tỉnh cũng phải học cách chấp nhận thực tế, phải chịu lỗ nếu muốn thoát hàng. Các sàn môi giới cũng ở thế khó vì không ít đất cần bán mà khách mua thì nhỏ giọt, yêu cầu cao, bán được hay không còn tùy thuộc nhu cầu khách mua và thỏa thuận giá đôi bên.
Bài Học Để Tránh Sa Lầy Khi Đầu Tư Nhà Đất Tỉnh
Theo tìm hiểu từ Batdongsan.com.vn, việc sang nhượng BĐS không chỉ ở tỉnh mà tại các đô thị lớn cũng đang gặp khó khăn. Với nhà đầu tư BĐS tại TP.HCM, khó khăn nhất vẫn là thương lượng giá bán. Còn với các thị trường tỉnh, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm môi giới hỗ trợ ra hàng. Tình trạng môi giới nhà đất rút khỏi thị trường tỉnh, thậm chí nghỉ việc, bỏ nghề khi BĐS hết sốt đang diễn ra khá nhiều từ đầu năm đến nay. Không ít môi giới nhà đất ở TP.HCM dồn về khu vực tỉnh, các môi giới tay ngang nhảy vào “làm ăn” khi có sốt đất. Giờ thị trường hết nóng, họ rút lui vì chỉ xem đây như một cuộc dạo chơi nhanh.
Tình trạng “đem con bỏ chợ”, khách cần bán nhà liên hệ môi giới bị từ chối hay ầm ờ cho có nhưng không hồi âm là chuyện thường. Một số có tâm hơn thì gửi môi giới khác rao bán giúp, còn bán được hay không là tùy duyên. Không ít người đầu tư nhà đất đang ôm BĐS ở tỉnh gặp khó khăn trong khâu ra hàng vì không thể tìm được môi giới đã bán cho mình để gửi bán lại. Những lời hứa hẹn đảm bảo ra hàng khi cần, muốn ra lúc nào thì sẽ hỗ trợ ra trong tháng… đã thành những lời hứa suông không có hồi đáp.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, khi thị trường vào đợt sốt nóng, tâm lý xuống tiền phải có lãi gấp hai đến ba lần khiến nhiều nhà đầu rơi lao vào cuộc chơi đánh bắt xa bờ với kỳ vọng để càng lâu đất càng lên giá. Khi thị trường rơi vào tình cảnh mất thanh khoản, nhà đầu tư nhận ra nguy cơ nợ xấu thì đã muộn.
Ông Thanh chia sẻ, nhà đầu tư đang mắc cạn ở thị trường vùng ven nên xác định dù bán lỗ quá 50% cũng phải chấp nhận để thu hồi vốn và gỡ áp lực về tài chính. Bởi để chờ đợi chu kỳ tăng giá mới của BĐS ở những khu vực này phải mất thời gian rất lâu, nhất là với các dự án vướng pháp lý.
Giới chuyên gia cũng lưu ý, một trong những nguyên tắc nhà đầu tư nên ghi nhớ là BĐS bền vững cần gắn với dân cư hiện hữu, hạ tầng và pháp lý đầy đủ. Đây là những yếu tố tác động đến thanh khoản của sản phẩm dù thị trường ở bất kỳ giai đoạn nào.
Ngoài ra, người mua BĐS dù là ở thị trường nào khi giao dịch vẫn nên cân nhắc tìm đến các công ty môi giới uy tín, hoạt động chuyên nghiệp, có thương hiệu để tránh những rủi ro cả trong tư vấn và giao dịch. Hạn chế làm việc với các môi giới nhà đất không chuyên, hoạt động kiểu “mùa vụ”, lúc nóng sốt vào thị trường rất đông nhưng khi thị trường hạ nhiệt là rút lui, để lại hệ quả cho những người mua. Đây là những môi giới thiếu chuyên nghiệp, kiểu “ăn xổi ở thì”, thậm chí là những đối tượng thao túng, tiếp tay thổi giá thị trường và đồng loạt rút lui khi thị trường nguội lạnh.
Phương Uyên