Căn hộ Bình Dương giai đoạn nóng sốt được rất nhiều nhà đầu tư mua, nay phải chấp nhận giảm giá để thoát hàng, mong thu hồi dòng tiền, tính toán kênh đầu tư khác.
Bán Căn Hộ Bình Dương Vì Chán Cảnh Mòn Mỏi Đợi Nhà
Dù không bị áp lực phải trả nợ vay nhưng chị Châu (TP. Thuận An, Bình Dương) cũng chấp nhận bán lỗ gần 400 triệu đồng để thoát hàng dự án căn hộ Bình Dương đầu tư gần 3 năm với mong muốn thu hồi tiền về để còn tính toán việc khác.
Theo chị Châu chia sẻ, đầu năm 2019 chị đã xuống cọc một dự án căn hộ cao cấp trên khu vực đường Thống Nhất, phường Hòa Đông, TP. Dĩ An với mục đích đầu tư. Kế hoạch ban đầu của chị là khi dự án bàn giao sẽ sang tay kiếm lời hay ít nhất thì cũng có thể cho thuê một thời gian ngắn kiếm đồng ra đồng vào. Tuy nhiên thực tế lại không như chị kỳ vọng. Tính đến hiện tại, không chỉ dự án chưa xây dựng xong, nhà chưa thể nhận mà thậm chí còn ngưng triển khai từ 2021 đến giờ. Công trường im ắng, chị chán nản cảnh “chôn tiền” không thấy ngày ra, thị trường thì đang trầm lắng. Cuối cùng chị quyết định thoát hàng dù đã đóng hơn 1,3 tỷ đồng vào căn hộ này.
Cùng cảnh ngộ, chị Kiều (TP.Thủ Đức) cũng đang nhờ môi giới ra hàng giúp mình căn hộ mua tại dự án chung cư triển khai trên khu vực QL 13, TP. Thuận An. Đây từng là dự án “hot” nhất nhì Bình Dương, cũng quảng bá là thuộc diện cao cấp trong năm 2020, chị đã tranh suất đầu tư vì tin theo môi giới là chắc chắn có lời.
Dù là mua đợt đầu mà giá bán đã hơn 40 triệu đồng/m2, nghĩ ít nhất sau này khi nhận nhà nếu không bán được ngay, cũng có thể cho thuê từ 10 -12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên thực tế, nhà vẫn chưa nhận được, tiền vẫn chết trong đất mà lãi suất vay mua nhà phải đều đặng trả khiến chị Kiều cắn răng cắt lỗ.
“Tôi chưa đến mức bị ngộp vì tài chính gia đình vẫn cán đáng được khoản vay. Tuy nhiên cứ để mãi như vậy tôi cũng nản. Vừa có thông tin chủ đầu tư sẽ tái khởi động lại dự án sau khi vướng mắc pháp lý trước đó giải quyết xong. Nhưng chưa thấy công trường khởi động, mà có khởi động thì tôi chỉ mong nó sôi nổi lại để dễ bán ra hơn, không cầu lời lãi, thu hồi vốn về đã là may mắn”, chị Kiều cho hay.
Không rơi cảnh đợi nhà nhưng anh Chiến (quận 7, TP.HCM) cũng chỉ muốn thu hồi tiền về để cơ cấu lại kế hoạch đầu tư khi thị trường ảm đạm. Thời điểm 2020, anh cũng bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua căn hộ Bình Dương trên khu vực phường Thống Nhất, TP. Dĩ An, dự án bàn giao nhà từ đầu 2022 và tạm thời vẫn cho thuê được giá 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên anh Chiến chỉ muốn bán nhà vì quá chán ngán với chất lượng dự án không chỉ không đúng cam kết của CĐT mà mới 1 năm bàn giao đã xuống cấp, tiện ích hư hại, ngập nước, quản lý yếu kém khiến giá thuê nhà ngày càng giảm, sang nhượng cũng khó khăn.
Lúc đầu anh Chiến tính bán đúng giá mua vào nhưng bán mãi không được nên chấp nhận giảm gần 250 triệu đồng. Tuy nhiên vẫn không tìm được khách mua, nếu tính cả chi phí và lãi suất ngân hàng thời gian qua, anh lỗ gần 400 triệu đồng. Dù rao bán lỗ nhưng anh vẫn chưa thoát hàng được vì dự án có giá gốc cao so với khu vực, không cạnh tranh được về giá, tiện ích, chất lượng so với các dự án đang triển khai cùng khu. Cũng không nhiều người có tài chính hiện hữu để trả một số tiền lớn mua nhà hoàn thiện lúc này, đi vay lại càng khó.
Giá Bán Xa Rời Nhu Cầu Thực Tại Địa Phương
Giá bán cao là một yếu tố khiến căn hộ Bình Dương khó thoát hàng thứ cấp. Theo tìm hiểu, giai đoạn từ 2018 – 2019, Bình Dương có hơn 18 dự án căn hộ mới được ra mắt, cung cấp khoảng 14.000 căn cho thị trường. Số lượng dự án của 2 năm này cao hơn cả tổng nguồn cung của Bình Dương trong 10 năm trước đó. Giá bán từ mức 18 – 23 triệu đồng/m2 tăng lên trung bình 25 – 30 triệu đồng/m2. Khu vực mặt tiền Đại lộ Bình Dương, quốc lộ 13 thì trước đây giá chung cư ở mức 20 – 24 triệu đồng/m2, lúc đó đã lên đến 30 – 37 triệu đồng/m2.
Đến giai đoạn 2020 -2021 thị trường căn hộ Bình Dương chiếm đến 35% tổng nguồn cung căn hộ của khu vực phía nam, với gần 20.000 sản phẩm được chào bán. Tính riêng trong 5 năm, nguồn cung căn hộ Bình Dương có gần 40.000 sản phẩm tập trung chủ yếu ở TP.Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một, trong đó đa số căn hộ có giá bình quân từ 35-45 triệu đồng/m2.
Hiện tại, chỉ có một vài dự án gần với khu vực TP. Thủ Đức, mức giá từ 1,3 -1,6 tỷ đồng/căn ghi nhận việc chuyển nhượng thứ cấp ổn định. Loạt dự án giá cao hơn thì im lìm về thanh khoản, giá có dấu hiệu giảm từ 10 -20% trên thị trường thứ cấp.
BĐS khu vực này cũng diễn ra tình trạng dang dở thi công, im ắng hoạt động, thậm chí không xuất hiện giao dịch từ cuối năm 2022 đến nay. Các dự án đang thi công chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án và quỹ đất tại khu vực và thuộc phân khúc giá vừa túi tiền. Nhiều dự án cũ từng ế ẩm đang chọn cách “khoác áo mới” để mong đổi vận nhưng thanh khoản vẫn rất kém vì giá cao ngang ngửa, thậm chí vượt giá bán căn hộ một số khu vực tại TP.HCM.
Theo đánh giá của một số nhà đầu tư tại đây, mặc dù là thị trường có tiềm năng lớn, giao thông và các tiện ích, dịch vụ cho cư dân ở nhiều khu dân cư tại Bình Dương vẫn chưa được đầu tư phát triển tương xứng, dẫn đến không thu hút được cư dân đến sinh sống. Cùng với đó, lượng lớn khách mua căn hộ Bình Dương thời “đỉnh giá” (2018 -2020) là dân đầu tư ở TP.HCM và các tỉnh phía Bắc và mua với mục đích sang tay kiếm lời chứ không phải để ở. Chính vì tập trung vào lượng khách đầu tư khiến nhiều dự án tại đây lao đao khi dòng tiền rẻ đứt mạch. Làn sóng thoát hàng ồ ạc diễn ra lúc thanh khoản khó khăn.
Bình Dương hiện có khoảng 1,6 triệu lao động, đa số là người ngoại tỉnh phải đi ở trọ. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, qua khảo sát 2.000 người, đa số công nhân lao động đều mong muốn gắn bó lâu dài tại Bình Dương (79,5%), chỉ có 0,5% xác định không ở lại Bình Dương và 20% chưa có định hướng cụ thể.
Tuy nhiên, với thu nhập còn thấp, có đến 42,1% công nhân được khảo sát không đủ trang trải, 52,5% công nhân vừa đủ trang trải chi tiêu hằng tháng. Chỉ 5% công nhân tích lũy được 1 phần và 0,4% công nhân lao động có tích lũy. Với giá nhà đất hiện nay, số đông người lao động rất khó có cơ hội mua được đất cất nhà.
Để hình thành cộng đồng cư dân thật sự, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp, Bình Dương cần đưa ra các chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển các tiện ích khu dân cư như các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện,… dành cho người dân. Ở phía các chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc và định giá sản phẩm thật sự phù hợp với nhu cầu của người dân khu vực, nếu không sẽ lại tạo ra một làn sóng đầu tư với những dự án vắng bóng người ở như đã tồn tại nhiều năm nay.
Phương Uyên